Đóng góp 10,7% lượng gỗ sử dụng trong sản xuất chết biến, gỗ cao su vẫn là thế mạnh của nhành xuất khẩu nội thất tại Việt Nam
Hội nghị phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành chế biến gỗ xuất khẩu do ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì. Thứ trưởng đánh giá cao những thành tích đạt được trong các chương trình trồng rừng nguyên liệu, đã góp phần cung cấp gỗ cho công tác chế biến, xuất khẩu các sản phẩm gỗ đạt 17 tỷ năm 2022. Nhưng để thực hiện Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì nguyên liệu từ rừng trồng trong nước còn nhiều hạn chế. Lượng gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn thấp để đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm gỗ xuất sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Gỗ nhập khẩu đang có xu hướng tăng giá. Theo thống kê gỗ nhập khẩu từ Tổng cục Hải quan cho thấy chỉ trong vòng 3 tháng đầu 2022, giá gỗ nhập khẩu đã tăng từ 36% – 52%, thời gian nhập khẩu kéo dài dẫn đến các doanh nghiệp phải chậm các hoạt động sản xuất, làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành. Do đó, cần xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển rừng trồng nguyên liệu trong nước để đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cho giai đoạn 2021 – 2030.
Báo cáo Kết quả phát triển rừng trồng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, cả nước có 5.580 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, trong đó, 86,9% là DN chế biến sản phẩm gỗ. Số lượng DN đầu tư nước ngoài (FDI) là 767. Số DN trực tiếp xuất khẩu khoảng 2.600. Đến nay, có gần 1.000 DN thực hiện quản lý theo chuỗi hành trình sản phẩm (có hệ thống kiểm soát vả truy xuất nguồn gốc – CoC) được các tổ chức FSC và PEFC quốc tế chứng nhận. Các DN chế biến gỗ tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ, chiếm 42%.
Đóng góp của gỗ cao su trong ngành gỗ Việt Nam, 2017 – 2020 (triệu USD; %) (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng giá trị xuất khẩu của ngành chế biến gỗ của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, đạt 15,96 tỷ USD, vượt 20% so với năm 2020. Sản phẩm gỗ Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 5 thị trường chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc chiếm 90,4% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam.
Nhu cầu nguyên liệu gỗ ngày càng tăng cao. Trong giai đoạn 2017 – 2021, lượng gỗ trong nước chiếm 77,4%, trong đó, gỗ từ rừng trồng tập trung chiếm 52,7%, gỗ từ cây trồng phân tán chiếm 14% và gỗ từ cây cao su chiếm 10,7%. Còn lại là nguồn từ gỗ nhập khẩu, chiếm 22,6%.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, trong giai đoạn từ 2017 đến 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cao su có xu hướng tăng và đã đóng góp vào ngành gỗ khoảng 22,4%.
Nhu cầu về nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng trồng gỗ lớn, có chất lượng và có chứng chỉ quản lý rừng bền vững để phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ngày càng tăng. Việt Nam cần phấn đấu đạt sản lượng gỗ tròn khai thác từ rừng trồng sản xuất trên 27 triệu m3 vào năm 2025 và trên 35 triệu m3 vào năm 2030.
Trong đó, ngành cao su được kỳ vọng sẽ đóng góp cho ngành gỗ Việt Nam khoảng 7 – 8 triệu m3 hàng năm từ diện tích cây cao su tái canh trên 25.000 – 30.000 ha để cung cấp gỗ lớn khoảng 20% nhu cầu nguyên liệu gỗ của Việt Nam